Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Đường vào Thần học về tôn giáo - Dấn thân phục vụ




Chương 8

Dấn thân phục vụ



Mọi người đều công nhận Á châu là chiếc nôi đã khai sinh các tôn giáo lớn của nhân loại và hiện nay giá trị tâm linh vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trên vùng đất này. Đây cũng là vùng đất hiện đang có nhiều biến động về kinh tế, xã hội và chính trị. Hơn nửa dân số hoàn cầu cũng  đang sinh sống trên lục địa mênh mong này. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, đây cũng là vùng đất của nghèo đói, bất công, áp bức, bạo lực và vi phạm nhân quyền.

Mặc dầu nhân loại đã bước sang ngàn năm thứ ba, thế mà tại nhiều nơi ở Á châu, quyền lợi căn bản của người công dân vẫn chưa được nhìn nhận, quyền tự do tôn giáo chưa được tôn trọng, nhân phẩm của người phụ nữ vẫn bị chà đạp, sức lao động của trẻ em đang bị khai thác một cách tàn nhẫn, tỉ lệ phá thai tăng cao, nạn mãi dâm và sách nhiễu tình dục nơi lứa tuổi vị thành niên cũng ở mức độ cao nhất thế giới . 

   Tại sao có nghịch lý sâu thẳm như vậy? Tại sao quê hương của tâm linh và tôn giáo lại đồng thời là quê hương của bóc lột, vi phạm nhân quyền, khổ đau và nghèo đói? Đâu là nguyên nhân của thảm kịch trên? Tín đồ của các tôn giáo nghĩ gì về thực trạng của Á châu hôm nay? Các tín đồ có trách nhiệm nào và có thể làm được gì cho đồng bào của mình?

   Đối riêng với giới Công giáo, giáo chủ Gioan Phaolô II đã coi đây là một thách đố gay go cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội. Trong lá thơ gởi Hội nghị khoáng đại của Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Á châu họp tại Bandung, ngài viết: “Trước ngưỡng cửa Đệ tam thiên kỷ của Kitô giáo, tất cả các Giáo hội địa phương tại Á châu, mặc dù bé nhỏ nhưng đã chứng tỏ tính năng động và năng lực làm chứng cho Tin mừng, cần dấn thân hơn nữa trong một cố gắng phúc âm hóa rộng lớn hơn. Thách đố đặc biệt đối với các Giáo hội Á châu là phải rao giảng Tin Mừng chính nơi giao thoa của các tôn giáo và các nền văn hóa, nơi ngã tư của các sức mạnh xã hội, chính trị và kinh tế của thế giới hôm nay” .  

1-    Kitô giáo, Đạo nhập thể và nhập thế

   Qua lời lẽ của Zarathoustra, triết gia Nietzsche đã nhắn nhủ anh em nhân loại của ông: “Anh em hãy trung thành với trái đất, bằng tất cả nghị lực của tình yêu. Ước gì ân ái và tri thức của anh em cổ võ tình yêu tha thiết đối với trái đất. Tôi nài xin, tôi van lạy anh em, xin đừng để nghị lực của anh em bay xa những thực tại trần thế và đi vỗ cánh trên những bức tường vĩnh cửu. Than ôi! đã có biết bao nhiêu nghị lực  bị lạc lõng! Như tôi, xin anh em hãy dẫn đưa những nghị lực bị lạc lõng đó trở về với trái đất, quay về với xác thịt, với sự sống để nghị lực ấy mang lại cho trái đất một ý nghĩa, ý nghĩa nhân sinh... Đành rằng nếu anh em không trở thành những trẻ thơ, anh em không thể vào Nước Trời... Nhưng chúng ta đâu có muốn vào Nước Trời: chúng ta đã trở nên những người trưởng thành, bởi vậy chúng ta ước muốn trần thế “.

   Trước và sau Nietzsche, nhiều tư tưởng gia nhân bản vô thần cũng gay gắt chỉ trích tôn giáo là lực lượng vong thân, là thuốc phiện ru ngủ quần chúng an phận với cuộc đời đói lạnh, với kiếp sống ngựa trâu bằng một niềm tin hão huyền vào hạnh phúc thiên đàng, vào phần thưởng bội hậu mai sau. Theo họ, niềm tin tôn giáo đã ru ngủ tín đồ bằng hứa hẹn hạnh phúc mai sau, mà không hướng dẫn họ tích cực dấn thân để cải thiện cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn, bất công hiện tại, ngõ hầu xây dựng một xã hội trần gian công bằng, nhân ái và hạnh phúc hơn.

   Nói chung, khi đọc tác phẩm của các tác giả nhân bản vô thần chúng ta không thể không cảm thấy tấm lòng dào dạt yêu thương con người, tha thiết đến quyền làm người của anh em nhân loại; nhưng đồng thời cũng không khỏi không đau buồn trước những phê phán và ngộ nhận bi đát của họ đối với tôn giáo. Họ gay gắt lên án các tôn giáo vì nghĩ rằng niềm tin tôn giáo phủ nhận giá trị trần thế, hờ hững với việc tranh đấu cho công bằng xã hội, nhất là đã tạo nên một lớp người ích kỷ và yếm thế, chỉ mải mê kiếm tìm giải thoát cá nhân, mà lãnh đạm trước những thống khổ hiện tại của anh em nhân loại.

   Hẳn mọi người còn nhớ mô hình “siêu nhân” của Nietzsche đã kết thúc như thế nào và sự liên luỵ bi thảm của nó với phong trào Đức quốc xã, mà hậu quả rùng rợn của nó là hàng triệu người phải thiêu sống! Tuy nhiên, nếu gác ra một bên thái độ cực đoan, qúa khích và một chiều trong những lời tố cáo trên, không ai có thể phủ nhận yếu tố nhân bản và vai trò thanh lọc của nó đối với đời sống tôn giáo của chúng ta. Trong một mức độ nào đó, có lẽ họ nhắc nhở chúng ta không được ăn gian nói dối, bắt buộc chúng ta phải có lập trường minh bạch về giá trị trần thế, đòi hỏi các tín đồ phải làm sao trở thành những đứa con đích thực của thiên đàng và của trần gian. 

   Trung thành với Thiên Chúa cũng như với con người, Công đồng Vatican II tiếp tục phi bác chủ nghĩa vô thần với nỗi đau buồn và với tất cả sự cương quyết. Nhưng đồng thời Công đồng cũng thú nhận rằng “các tín hữu có thể chịu một phần không nhỏ trách nhiệm trong việc khai sinh chủ nghĩa vô thần, hoặc vì sao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ đã che dấu hơn là biểu lộ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” . 

   Trên nguyên tắc, tất cả các tôn giáo đều chủ trương công bình bác ái, đều nhắn nhủ các tín đồ yêu thương, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nói cho cùng, chẳng tôn giáo nào có thể hoàn toàn phủ nhận trần gian, vì tôn giáo dù siêu việt đến đâu, nếu muốn tồn tại, vẫn phải chấp nhận một thứ cơ cấu tối thiểu hay một hình thức nhập thế nào đó. Và người tín đồ, dù xuất thế đến đâu đi chăng nữa, trước khi về nơi vĩnh cửu, nhập Niết bàn hay lên Thiên đàng vẫn phải trải qua một giai đoạn hiện diện tại thế.

   Riêng Kitô giáo, tự bản chất là một tôn giáo nhập cuộc, lăn lưng vào đời để cứu vớt, cải tạo cuộc đời từ nền tảng, đồng thời đem đến cho nó một ý nghĩa, một giá trị đích thực. Các trình thuật Tin Mừng kể lại: Con Thiên Chúa đã giáng trần để mặc lấy thân phận con người, làm người với mọi người và như mọi người. Ngài tự nguyện chia sẻ kiếp người với anh em nhân loại, đảm nhận những vấn đề nhân loại với tư cách một con người như trăm triệu con người khác. Kể từ đó, Nhập thể đã trở thành huyền nhiệm, bản sắc và sứ vụ của Kitô giáo.

   Nhưng tinh thần nhập thế và nhập thể của Đức Kitô không chỉ thu gọn vào việc mặc lấy thân xác con người, mà còn ở chỗ Ngài đã muốn trở nên người tôi tớ để phục vụ con người và mời gọi mọi người sống theo tin thần phục vụ ấy . Ngài có lòng ưu ái đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bị áp bức, đày đọa hay bỏ quên trong xã hội. Chính Ngài đã sinh ra trong hang bò lừa, giữa chốn đầu đường xó chợ, không cửa không nhà, như trăm triệu “con nhà kẻ khó khác”(Lc.2,1-8).

Thế rồi dòng dã 30 năm ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã hòa mình tối đa với đám lê dân, chia sẻ điều kiện sống và số phận hẩm hiu của lớp người bình dân. Đến nỗi sau này khi Ngài trở thành một nhân vật nổi tiếng, trong một lần “vinh qui bái tổ”, đồng hương của Ngài vẫn chưa hết ngờ vực và khinh miệt: “Bởi đâu ông ấy được như thế? Há ông ấy không phải là bác phó mộc, con bà Maria và anh em với Giacobê, Giuse, Giuda và Simeon ư? Chị em của ông ta không phải là bà con lối xóm với chúng ta đó sao?”(Mc.6,1-3).
  
Suốt ba năm truyền đạo, Ngài cũng thường lân la trò chuyện, ăn uống với những người vốn mang tiếng là bất lương, vô lại, vô đạo trong xã hội đương thời, đến nỗi người ta đã mỉa mai gọi Ngài là “con người mê ăn, chè chén, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt.11,19). Đạo tình thương, Tin Mừng cứu độ của Ngài cũng dành ưu tiên cho những người ở bên lề xã hội, sống ngoài vòng pháp luật và cho tất cả những người nghèo khổ, sống vất vưởng ở đầu đường xó chợ (Lc.7,22).
  
Chưa hết, chính Ngài đã tự đồng hóa với những anh em hèn mọn và khổ đau nhất trong nhân loại. Bất cứ những gì đụng chạm đến họ là đụng chạm đến bản thân Ngài: “Quả thật, thầy bảo anh em: tất cả những gì anh em làm cho một người hèn mọn nhất là anh em đã làm cho chính thầy” (Mt.25, 35tt.). Hiểu như vậy dù Đạo của Đức Kitô là Đường dẫn đưa chúng ta tiến về Nhà Cha, nhưng vẫn không bao giờ cho phép chúng ta hờ hững, lãnh đạm với anh em đồng loại. Đạo của Ngài cũng chẳng hề giới hạn trong những “cấm giới”: đừng giết người, đừng trộm cắp, chớ gian dâm..., mà còn là đạo hành động, đạo làm. Đối với Ngài, chẳng ai có thể chỉ theo đạo bằng môi miệng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thực hiện ý muốn của Cha Thầy” (Mt.7,21).          

Trong giờ ly biệt nhân gian, Ngài đã để lại một chứng từ và một luật truyền về dấn thân phục vụ: rửa chân cho các môn đệ. Thánh sử Gioan tường thuật: “Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ ngồi và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó đúng lắm, vì thật vậy, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14). Thi sĩ Bùi Giáng cô đọng ý nghĩa lời “trăn trối” của Đức Kitô bằng ngôn ngữ đẹp: “Ngài đã về giữa bụi hồng, rửa chân cho bụi hồng nhân gian, bây giờ Ngài vĩnh biệt nhân gian, Ngài vui lòng vĩnh biệt, và lời chúc phúc tối hậu của Ngài hẳn nhiên là: bụi hồng ở lại hãy tiếp tục rửa chân cho nhau” .

   Nói tóm lại, Đức Kitô triệt để thuộc về Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời cũng trọn vẹn sống cho con người. Ngài đồng thời vừa là Con-Thiên-Chúa vừa là Con-Người. Nơi Ngài không hề có chuyện cắt xén, phân chia một cách giả tạo giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, giữa tinh thần và thể xác. Ngài không hiến dâng linh hồn cho Thiên Chúa, để rồi quẳng lại thân xác khô cứng, chai lạnh cho nhân loại. Trái lại, Ngài đã hy sinh mạng sống vừa làm của lễ tình yêu dâng lên Chúa Cha, vừa nên giá cứu chuộc loài người. Nơi Ngài chúng ta gặp thấy sự nối kết tuyệt mỹ giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người. Bằng một tình yêu duy nhất, Ngài đã ôm trọn cả Thiên Chúa lẫn nhân loại. Chỉ một cây thập giá thôi, nhưng bao gồm hai chiều kích: chiều dọc và chiều ngang, vừa hướng về Thiên Chúa, vừa giang rộng tới con người, vừa vươn thẳng lên trời, vừa cắm sâu vào lòng đất .
  
2-  Thảm kịch xung đột Đạo-Đời

   Đối với Đức Kitô là thế. Nhưng đối với các Kitô hữu thì sao? Phải thành thật công nhận rằng việc hòa hợp Đạo-Đời, giải quyết ổn thỏa những giằng co, tranh chấp giữa tinh thần và vật chất, giữa Nước Trời và trần gian không phải lúc nào cũng dễ dàng và êm đẹp. Theo linh mục Teilhard de Chardin, không có gì là quá đáng khi chúng ta quả quyết rằng giai đoạn trước Công đồng Vatican II, chín phần mười Kitô hữu giữ đúng luật Hội thánh đều coi việc đời như là cái gì “cản trở con đường thiêng liêng”.

Mặc dù cố gắng làm việc với ý hướng ngay thẳng và không lãng quên dâng ngày hôm đó cho Thiên Chúa, số đông tín hữu vẫn âm thầm nghĩ rằng những giờ ngồi ở bàn giấy, trong văn phòng, ngoài đồng ruộng hay tại các xưởng máy..., tất cả đều nằm ngoài phạm vi thờ phượng. Theo họ, thật hiển nhiên là con người không thể không làm việc, nhưng cũng đừng nuôi hy vọng hão huyền là có thể đạt tới một đời sống tôn giáo sâu xa khi dấn thân vào những hoạt động trần thế. Vì cảm nghĩ như vậy, nên trong thực tế nhiều người Công giáo đã kéo lê một kiếp sống day dứt, ngột ngạt, một cuộc đời hai lòng. Để trở thành một Kitô hữu –mà đáng buồn vẫn chỉ là một Kitô hữu hạng xòang – họ cảm thấy bắt buộc phải cởi bỏ bộ áo nhân bản, phải hững hờ và “ngoại tình” với cuộc đời.
  
Trên phương diện tranh đấu cho công bằng xã hội, linh mục L.-J. Lebret đã cảnh cáo các Kitô hữu: “Cõi lòng nhiều Kitô hữu đã lạnh lắm rồi. Ngọn lửa bác ái không còn nung nấu họ như đã nung nấu thánh Phaolô. Họ tính toán kỹ lắm, tính toán làm sao cứu rỗi được linh hồn mình là đủ, còn ngoài ra thiên hạ có quằn quại khổ đau thì cũng mặc xác nó. Họ yên tâm với cuốn sổ kê khai những việc lành phúc đức hàng ngày. Nào có hệ gì tới họ, nếu thế giới sụp đổ, nếu giới vô sản ngày càng đông, càng thêm khốn khổ, nếu thảm cảnh bóc lột lao động còn tiếp diễn. Họ rất bình thản với sự an ninh thiêng liêng của mình và luôn sẵn sàng hướng hồn lên “cõi siêu nhiên”.

Có lẽ vì thế mà nhiều người ngoài Công giáo đã ngờ vực thái độ dấn thân xây dựng xã hội trần gian của các Kitô hữu. Họ cho rằng các Kitô hữu không bao giờ có thể thật sự yêu mến, thật sự sống chết với quê hương trần thế, vì Kitôâ hữu vẫn còn một quê hương khác, một ngõ rút lui an toàn và bất khả xâm phạm ở ngoài trần gian. 

   Trong hành trình đi tìm Tuyệt-đối, tìm sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, người tín hữu, nhất là các tu sĩ, rất dễ coi trần gian như chốn lưu đày, như thung lũng nước mắt hay một quán trọ tạm bợ trên đường thiên lý, một bến đò để dừng chân giây lát trong khi đợi chờ một chuyến sang ngang. Trải qua dài đời lịch sử, xuất thế vẫn luôn luôn là một cám dỗ thường xuyên và nặng nề nhất đối với những đứa con của Thiên đàng, vì quê hương đích thực của họ là Trời chứ đâu phải mặt đất su si này. Trọn đời họ hầu như chỉ ngong ngóng đợi ngày về chầu Chúa, nên dĩ nhiên kém nhiệt tâm với những hoạt động trần thế và vận mệnh chung của anh em nhân loại.
  
Trong viễn tượng một tôn giáo chỉ mải miết tìm sự cứu rỗi cá nhân và muốn thực hiện sự cứu rỗi đó bằng cách phủ nhận, chối từ cõi đời này, thì cho dù người tín hữu có dấn thân hoạt động, cố gắng hòa mình với người đời, những người ngoài Công giáo vẫn nhìn thấy nơi tâm trạng các tín hữu phảng phất cái gì cách biệt và đáng ngờ vực của một kẻ hai lòng hay một bạn đồng minh miễn cưỡng. Nói khác đi, trên bình diện nhân bản, những đứa con của Thiên đàng hình như chưa chứng tỏ đủ niềm xác tín và tinh thần chiến đấu cao độ cho trần gian như những đứa con của trái đất.

Có lẽ vì vậy mà Nietzsche đã gay gắt kết án các Kitôâ hữu là lũ hèn nhát, phản bội, là bọn người ích kỷ, cầu an. Ông đã thách thức các Kitôâ hữu: Bọn họ phải hát cho tôi nghe những bài hát hay hơn nữa, những bài ca thấm nhuần tinh thần tôn giáo và đượm tình người, may ra tôi có thể tin được ở Đấng Cứu thế của họ.

Để đối phó với thái độ lãnh đạm tôn giáo và những phê bình của phái nhân bản vô thần, Công đồng Vatican II tái xác định ý nghĩa nhập thế và nhập thể của Kitô giáo. Theo Công đồng, trách vụ của các tín hữu là phải dấn thân vào thực tại trần thế, ngõ hầu với sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như chất men làm biến đổi từ bên trong tất cả thực tại này và như vậy biểu dương Đức  Kitô cho người khác, bằng chính cuộc sống của mình .
“Tính trần thế” của người giáo dân được đặc biệt đề cao và nhấn mạnh. Họ là những Kitô hữu đang dấn thân vào những sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người, trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Mảnh đất nhân bản và trần thế này phải là môi trường để người giáo dân thực hiện nhiệm vụ làm người và lý tưởng Kitô hữu của mình. “Họ đuợc gọi, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, tác động như men trong bột, thánh hóa thế giới bằng việc chu toàn nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho người khác bằng chứng tá của đời sống thấm nhuần đức Tin, Cậy và Mến” . 

Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” đặc biệt nhấn mạnh đến “tính trần thế” nơi ơn gọi của người giáo dân. Họ là những người sống giữa trần gian, nghĩa là dấn thân vào tất cả và mỗi một công việc cũng như bổn phận trần thế, như bao nhiêu người khác. Họ là những người có một đời sống bình thường trong trần gian, trong tương quan nghề nghiệp, bằng hữu, xã hội, văn hóa với đồng bào. Chính vì vậy, “trần gian trở thành môi trường và phương tiện để họ thể hiện ơn gọi Kitô giáo của mình (...). Họ được Thiên Chúa kêu gọi để, dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như men tác động từ bên trong, thánh hóa thế giới bằng cách thi hành nhiệm vụ của mình (...). Vì thế, các hình ảnh trong Tin Mừng về muối, ánh sáng và men, mặc dù ám chỉ tất cả các môn đệ của Đức Giêsu, không phân biệt một ai, nhưng được áp dụng một cách đặc biệt cho người giáo dân” . 

Đức Gioan Phaolô II cũng nhìn nhận rằng nếu không có sự đóng góp của giáo dân, Giáo hội không thể chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Thật vậy, trong việc thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng cách phục vụ con người và xã hội, “giáo dân chiếm một vị trí đặc biệt, bởi vì “tính trần thế” của họ bắt buộc họ dấn thân “đem đạo vào đời” theo một cách thế riêng, mà không ai có thể thay thế được” .
  
3-   Trần gian theo viễn quan Kitô giáo

   Dưới viễn ảnh đức tin, Đạo vừa ở trên, vừa ở giữa và ở trong lòng Đời. Đời người tín hữu là một cuộc hành trình về “Nhà Cha”. Giữa Đạo và Đời, giữa tôn giáo và dân tộc, người tín hữu phải dám trả giá để đồng thời giữ trọn vẹn cả hai: quê hương không thể bỏ và niềm tin tôn giáo không bao giờ được phủ nhận. Nhưng trường hợp bắt buộc phải lựa chọn một trong hai, cần hành động theo lương tri để lấy một lựa chọn sáng suốt và sáng tạo nhất. Nói cho cùng, quê hương và thực tại trần thế có giá trị chân chính, nhưng chưa phải là giá trị tuyệt đối. Vẫn còn những gía trị khác thiết yếu hơn quê hương trần thế: “Ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát”.

   Nhưng phải chăng đức tin tôn giáo nhất thiết đòi hỏi người tín hữu phải chối từ cuộc đời, xa tránh con người? Phải chăng việc tìm kiếm và theo đuổi hạnh phúc vĩnh cửu bắt buộc người tín hữu phải lãng quên nghĩa vụ tự nhiên đối với quê hương trần thế? Để trung thành với Đạo phải chăng cần vắng mặt trong những cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội và hờ hững trước những lầm than khốn khổ của anh em nhân loại?

   Không ai có thể phủ nhận là một số giáo sĩ, tu sĩ và giáo hữu đã làm cho người ngoài Công giáo có lý để lên án, chỉ trích Đạo. Họ quá thờ ơ với nghĩa vụ xây dựng xã hội trần thế và hình như đã khoán trắng nhiệm vụ này cho những đứa con của trái đất, cho những người vô tín ngưỡng, phản tôn giáo! Đó là một sự thoái thác vô trách nhiệm và thật đáng trách. Nhưng căn cứ vào Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta có thể xác quyết những lỗi lầm đó là do sự thiếu hiểu biết của những Kitôâ hữu đó, chứ không liên hệ đến chủ trương căn bản của Kitôâ giáo.

   Đã hẳn trong Tân Ước có những lần thánh Gioan coi “thế gian” như “đồ bỏ”, cần phải loại trừ, xa tránh . Nhưng đó là “thế gian” hiểu theo nghĩa tiêu cực. Cái thế gian mà Chúa Kitôâ và thánh Gioan kết án (Ga.12,31) không phải là vũ trụ sự vật hay xã hội con người, mà cái thế gian của những con người đi trong tăm tối (Ga 1,5), cố chấp khép kín trước chân lý (1,17; 8,32), phủ nhận ánh sáng (1,5,10), chối từ sự sống (6,4), sống theo đam mê (3,6; 6,64), chạy theo tiền tài (1Ga.1,16), trầm mình trong tội lỗi, ghen tương, thù hận (1Ga.2,9-11). Nói khác đi, cái thế gian mà người Kitôâ hữu có nhiệm vụ từ bỏ và phải chống lại nó không phải là thế giới sự vật khách quan, mà là những dục vọng trần tục, những khuynh hướng thấp hèn luôn xui xiểm ta phạm tội, lấy tiền tài, sắc dục, danh vọng làm cứu cánh tối hậu của đời mình.
  
Ngược lại trần gian hiểu như xã hội nhân loại và thế giới sự vật khách quan là một sản phẩm và ân huệ Thiên Chúa ban cho con người . Nó đã được dựng nên cho con người và là điều kiện cần thiết để con người có thể hiện diện tại thế. Do đó nó cùng chung vận mệnh với con người. Theo quan điểm của thánh Phaolô, Thiên Chúa không những chỉ yêu thương nhân loại, mà còn yêu thương tất cả mọi tạo vật. Chính tình yêu thương đó đã thúc đẩy Ngài sai Con Một yêu quý vào trần gian (Ga. 3,16-17; 10,36) và Đức Kitôâ không những là Đấng Cứu thế của nhân loại, mà còn của cả trần gian (Ga.4,42; 1Ga.4,14). Dưới ánh sáng của Thánh kinh, chúng ta có thể nói con người và vũ trụ là hai anh em sinh đôi: không thể có con người mà thiếu vắng vũ trụ, cũng như không thể có vũ trụ mà vắng bóng con người. Chính vì vậy, chúng ta phải trân trọng, yêu quý và săn sóc trần gian, như chính Đức Kitôâ đã yêu thương và hiến thân cứu chuộc nó.
  
Trong viễn tượng đó người Công giáo không thể là một lữ khách lạnh lùng, miễn cưỡng bước lên chiếc đò trần gian trong một chuyến sang ngang, để rồi mặc cho ai khác hay nhờ ai khác chèo chống. Thế rồi khi thuyền cập bến, thản nhiên bước lên bờ trường sinh, bỏ chiếc đò đậu lại với tất cả những anh em đồng hành khác, chẳng chút bịn rịn, luyến thương! Trái lại, nói theo ngôn ngữ của Teilhard de Chardin, Kitôâ hữu đích thực phải là người tự đảm nhận trách nhiệm thần-linh-hóa-vũ-trụ, coi việc tái tạo thế giới trong Đức Kitôâ như là một sứ vụ trọng đại nhất của đời mình. Mỗi một Kitôâ hữu đã được trao phó trách nhiệm hoàn thành vũ trụ, cộng tác vào việc xây dựng sự sung mãn tối hậu của công cuộc Sáng tạo và Nhập thể, bằng chính những công trình của đôi tay và những sáng kiến của trí óc, cho dù có thể rất nhỏ mọn và tầm thường của mình.

Nói cách khác, bất chấp phận vụ nhân loại của chúng ta là gì đi chăng nữa: nông dân, công nhân, doanh nhân, bác sĩ, kĩ sư, giáo sư, tu sĩ, nghệ sĩ... nhưng nếu là Kitôâ hữu đích thực, chúng ta phải xả thân chu toàn phận vụ đó, với ước nguyện làm cho việc thâm nhập của Đức Kitôâ vào vũ trụ mỗi ngày được tăng trưởng thêm. Hơn bất cứ ai khác, đối với người môn đệ của Đức Kitôâ việc tranh đấu để cải thiện, thăng hóa trần gian phải mang một ý nghĩa cao cả đặc biệt, vì nó chính là việc hoàn tất cuộc chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa và đồng thời cũng quyết định vận mệnh tương lai của đời mình. 

   Chỉ nơi người Kitôâ hữu thực tại trần gian mới mang một giá trị tròn đầy, vì chỉ niềm tin Kitôâ giáo mới cho phép kéo dài tới vô tận những giá trị và cuộc tranh đấu cho cuộc sống hiện tại. Không một hành động, một cố gắng phấn đấu, một chương trình cải thiện nào trong kiếp nhân sinh này... mà không có dư âm nơi tương lai vĩnh cửu. Do đó, hơn bất cứ người trần gian nào khác, người Kitôâ hữu phải tin tưởng mãnh liệt vào giá trị của cuộc đời hiện tại.
  
Chính Đức Kitôâ cũng muốn các môn đệ của Ngài phải thường xuyên giáp mặt với thực tại cuộc sống, với anh em nhân loại chung quanh. Không ai có quyền tìm kiếm Thiên Chúa trên chín tầng mây mà phải gặp gỡ Ngài trong chính thân phận làm người ở đời. Trước khi bước vào con đường thụ nạn, Đức Kitôâ đã để lại cho các môn đệ một mệnh lệnh như thể một lời di chúc: “Đây là lệnh truyền của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”(Ga.15,11) và Ngài lấy tình thương này làm như dấu chỉ người môn đệ đích thực của Ngài (Ga.13,35). Tình yêu Ngài đề cập ở đây, dĩ nhiên không phải là thứ tình yêu trừu tượng, lý thuyết, viễn mơ..., mà phải là tình yêu được thể hiện bằng những hành động cụ thể đối với anh em đồng loại, chẳng hạn cho ăn, cho uống, cho mặc, thăm viếng, gặp gỡ, ủi an, tiếp đón, v.v...

   Xem như vậy, Kitôâ giáo không phải là một thứ thuốc phiện làm đui mù và què quặt những tình cảm và bổn phận nhân loại nơi người tín đồ. Trái lại, chính tông đồ Gioan đã nghiêm khắc lên án những ai muốn biến Kitôâ giáo thành thứ thuốc phiện ru ngủ đó: “Nếu ai bảo: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga.4,20).

   Điểm đặc biệt nhất là mỗi khi trình bày tình yêu của Thiên Chúa hay của Đức Kitôâ đối với con người, thánh Gioan không trực tiếp kêu mời con người yêu mến Thiên Chúa để đền đáp tình yêu cao vời ấy, mà lại thúc giục họ yêu thương nhau. Chúng ta hãy lắng nghe lối lý luận của tông đồ Gioan: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga.4,11). Nơi khác, thánh tông đồ giải thích rõ hơn: “Căn cứ vào điểm này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitôâ đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (3,16).

4-  Vai trò của giáo huấn xã hội

   Các thánh Giáo phụ tiếp tục con đường yêu thương đó và quyết liệt tranh đấu cho công bình bác ái. Chúng ta tìm thấy nơi các vị rất nhiều áng văn hiện thực mô tả một cách thật linh động tình cảnh lầm than của lớp người cùng khổ, kèm theo những lời kết án gay gắt những người quyền thế thời đó. Chỉ xin đưa ra một vài nét chấm phá.

   Một đề tài cương yếu nơi giáo huấn xã hội của các Giáo phụ là “vận mệnh chung của tất cả tài sản”: Thiên Chúa là sở hữu chủ duy nhất của tất cả tài sản trên vũ trụ và Ngài đã ban tặng cho mọi người. Tất cả những người có tiền của, thực ra chỉ là những người điều hành hay quản lý tài sản chung thôi. Chính vì vậy thánh Basilio dám quả quyết: “Người tham lam là thế nào? Là người không bằng lòng với những nhu cầu cần thiết. Kẻ cướp là ai? Là người cướp đoạt, vơ vét tài sản của người khác. Anh tưởng rằng anh không phải là kẻ tham lam hay kẻ cướp sao? Của chung thiên hạ giao cho anh điều hành, anh lại giữ lấy cho riêng mình, như thế không phải là tham lam, hoặc ăn cướp thì còn gì nữa? Lột áo kẻ khác là ăn cướp. Có dư áo mà thấy người khác ở trần cũng thây kệ, thì cũng là một hình thức ăn cướp. Anh nên nhớ: gạo anh tích trữ trong kho là gạo của người nghèo, áo anh cất trong tủ là áo của người trần trụi, giày anh để mốc meo trong xó là giày của kẻ chân không”.
  
   Thánh Gioan Kim khẩu yêu cầu các tín hữu nên đặt đúng trọng tâm của niềm tin tôn giáo: đề cao giá trị tâm linh và nhân bản trên những đền đài vật chất. Ngài nói: “Bạn muốn tôn vinh Thân thể Đức Kitô ư? Vậy đừng ngoảnh mặt làm ngơ khi gặp thấy Ngài trần trụi. Xin đừng tôn thờ Ngài ở đây, trong thánh đường, đầy nhung lụa gấm vóc, trong khi lại bỏ mặc Ngài ở bên ngoài, trần truồng và giá lạnh. Đấng đã tuyên bố: “Này là mình Thầy”, cũng chính là Đấng đã nói: “Anh thấy Tôi đói mà không cho ăn” (...). Nào có ích gì nếu bàn tiệc Thánh thể đầy những bình bằng vàng, trong khi chính Chúa đang chết đói? Hãy lập tức làm dịu cơn đói của Ngài và sau đó, với những gì còn sót lại, bạn sẽ trang hoàng bàn thờ” .
  
Theo thánh Augustinô, việc làm phúc bố thí, chia cơm sẻ áo là cần, nhưng chưa đủ. Điều thiết yếu là phải làm sao để không còn ai nghèo đói và cũng chẳng cần ai phải làm phúc cho ai: “Chúng ta không nên ước ao có những người nghèo khổ để có dịp làm phúc. Nếu bạn đem cơm gạo cho kẻ đói ăn, tốt hơn là làm thế nào để chẳng còn ai đói khát, và bạn sẽ không cần cho ai cả. Bạn cho người rách mặc, nhưng nếu ai cũng có áo thì chẳng cần cho nữa... Tình yêu chân thật là ước muốn cho người khác được hạnh phúc, không thiếu thốn gì cả... Vì nếu bạn muốn giúp đỡ người nghèo khổ có lẽ bạn muốn coi mình hơn họ và coi họ kém bạn, vì phải cần đến bạn. Điều lý tưởng là làm sao chẳng ai phải cần đến ai và tất cả chúng ta chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa thôi”.
  
Kể từ đức Leô XIII, các thông điệp xã hội của Giáo hội đã góp phần tích cực trong công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội và phẩm giá con người: bảo vệ quyền lợi người lao động, yêu cầu tăng lương, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng thể chế dân chủ, tôn trọng nhân phẩm, v.v. Giáo huấn xã hội Công giáo cũng cổ võ sự hợp tác quốc tế trong lãnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và giáo dục. Đặc biệt kêu gọi tình liên đới giữa các dân tộc và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế để đối phó với tình trạng nghèo đói, chậm phát triển và hiện tượng bị loại trừ.

Giáo chủ Gioan XXIII đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong giáo huấn xã hội Công giáo. Thông điệp “Hòa bình trên thế giới” được tất cả mọi người lắng nghe không phải chỉ vì nội dung của nó đề cập đến vấn đề sinh tử của thời đại, mà cũng vì cách trình bày mang tính hiện thực và ngôn sứ đã đánh động tâm khảm mọi người. Đây cũng là thông điệp xã hội đầu tiên gởi đến “tất cả những người thành tâm thiện chí”, chứ không phải chỉ gởi cho tín đồ Công giáo mà thôi.

Với cái nhìn ngôn sứ và tấm lòng nhân ái, đức Gioan XXIII đã khai mở cho Giáo hội Công giáo một hướng đi và một chân trời mới. Những lời cuối cùng của ngài trước khi từ trần đã trở thành “Di chúc” cho hậu thế: “Bây giờ hơn bao giờ hết, chắc chắn hơn các thế kỷ vừa qua, chúng ta cần phải phục vụ con người xét như là con người, chứ không chỉ phục vụ người Công giáo. Cần phải bảo vệ nhân quyền trước tiên và ở bất cứ nơi nào, chứ không phải chỉ bảo vệ quyền lợi của Giáo hội Công giáo. Bối cảnh của xã hội hôm nay, những đòi hỏi trong 50 năm sau cùng này, việc đào sâu giáo huấn đã dẫn đưa chúng ta tới những thực tế mới(...). Không phải Tin Mừng đã đổi thay. Chính chúng ta bắt đầu hiểu Tin Mừng đúng hơn (...). Ai đã sống như tôi, 20 năm ở Đông phương, 8 năm tại Pháp, và có cơ hội đối diện với các nền văn hóa và truyền thống khác biệt, sẽ hiểu được rằng đã đến lúc cần nhận thức những dấu chỉ thời đại, đảm nhận thời cơ và biết nhìn xa hơn”.

   Với Vatican II, quan điểm của Giáo hội về vấn đề trần thế càng rõ rệt. Hiến chế mục vụ về “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” công khai xác nhận: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, đặc biệt của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ, cũng chính là nỗi vui mừng, hy vọng, buồn khổ và âu lo của người môn đệ Đức Kitôâ. Không có gì đích thực nhân lọai mà lại không có tiếng vang  nơi cõi lòng người tín hữu Chúa Kitôâ (...). Cộng đồng tín hữu cảm thấy liên đới thật sự và sâu xa với con người cũng như với toàn thể lịch sử nhân loại” .

Chính trong viễn tượng đó, “Công đồng khuyến khích các tín hữu là công dân nước Trời và nước trần thế phải làm sao đem hết tâm lực để chu toàn trách nhiệm thế trần của mình theo tinh thần Phúc âm. Phải nói là sai lầm những người cho rằng vì quê hương của họ không ở trần gian này và họ đang hành trình về quê hương vĩnh cửu, nên họ nghĩ rằng có thể dửng dưng đối với nhiệm vụ thế trần. Họ đã quên rằng đức tin đòi hỏi họ phải chu toàn những trách vụ nhân loại như một bổn phận khẩn thiết nhất, tùy theo ơn gọi riêng của mỗi người. Mặt khác cũng rơi vào sai lầm lớn lao những ai đang dấn thân vào sinh hoạt trần thế và coi các sinh hoạt đó như không dính dáng gì tới đời sống tôn giáo, một đời sống mà họ đã thu hẹp vào phạm vi nhà thờ và một vài hình thức đạo đức. Việc ly dị giữa đức tin và sinh hoạt nhân loại thường nhật nơi nhiều người, phải kể là một trong những sai lạc nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta. Ngay trong Cựu ước các tiên tri đã cực lực tố cáo và trong Tân ước Chúa Kitôâ còn lên án mạnh mẽ hơn việc ly dị này. Không ai được dựng lên những bức tường phân cách giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp hay xã hội với đời sống tôn giáo. Khi lãng quên những bổn phận đối với đồng loại, người tín hữu cũng không chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và hành động đó làm nguy hại đến phần rỗi đời dời của họ” .

   Các nghị phụ của Công đồng đề nghị thành lập “một cơ quan của Giáo hội hoàn vũ... nhằm mục đích động viên người Công giáo tích cực tham gia phát triển những vùng nghèo đói và kiến tạo công bằng xã hội giữa các dân tộc” (GS.90). Để thực hiện yêu cầu nói trên, ngày 6 tháng giêng 1967, đức Phaolô VI thành lập Hội Đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình với mục đích: đào sâu giáo huấn xã hội của Giáo hội, nhất là làm sao giáo huấn đó được phổ biến rộng rãi và thực hành nơi cá nhân cũng như cộng đoàn, đặc biệt trong những gì liên hệ đến tương quan giữa thợ và chủ; thu thập những tin tức và thành quả liên hệ đến công lý và hòa bình, việc phát triển các dân tộc và vấn đề vi phạm nhân quyền để rồi phổ biến cho các Hội đồng Giám mục; cổ võ mối tương quan với các tổ chức công giáo quốc tế và các tổ chức quốc tế khác đang hoạt động cho công lý và hòa bình, kể cả những tổ chức ngoài Giáo hội.

    Đối diện với sứ vụ rao giảng Tin Mừng ở ngàn năm thứ ba, việc phổ biến giáo huấn xã hội lại càng trở nên cần thiết hơn. Theo giáo chủ Gioan Phaolô II, nếu như ý nghĩa sâu xa và nguyên thủy của “Năm Hồng-ân”ù là việc thực hiện lý tưởng huynh đệ đại đồng, tái lập bình đẳng, chấm dứt những bất công xã hội và tình trạng áp bức giữa người với người, dĩ nhiên Năm Hồng-ân khai mặc Ngàn năm thứ ba “phải được dùng để tái lập công bằng xã hội” .

   Chính trong ý nghĩa đó, “người Kitôâ hữu được mời gọi chuẩn bị đón Năm Hồng-ân đầu tiên của ngàn năm thứ ba bằng cách làm sống lại niềm hy vọng vào thắng lợi cuối cùng của Nước Trời, bằng cách chuẩn bị mỗi ngày trong cuộc sống nội tâm, trong cộng đoàn Kitôâ hữu của mình, trong môi trường xã hội mình đang sống, cũng như trong lịch sử thế giới. Vả lại, chúng ta cũng cần phải đề cao và đào sâu các dấu chỉ hy vọng thấy được ở cuối thế kỷ 20 này, mặc dù bóng tối thường làm khuất lấp mắt chúng ta”  .

5-   Đối diện với thách đố của thời đại

Trong một lá thư viết năm 1939, gởi một người bạn, linh mục Teilhard de Chardin đã viết: “Những người Kitôâ hữu truyền thống nói: hãy đợi chờ Chúa trở lại. Những người Mác-xít trả lời: Hãy hoàn thành thế giới. Và cuối cùng, những người Kitôâ hữu của ngày mai quan niệm: muốn cho Đức Kitôâ trở lại, bắt buộc chúng ta phải làm xong và hoàn thành thế giới”.

   Hình ảnh “người Kitôâ hữu ngày mai” mà Teilhard de Chardin phác họa hơn 60 năm về trước, chính là người Kitôâ hữu Việt nam ở thời đại chúng ta. Thật vậy, hơn bao giờ hết, đây là lúc những người môn đệ của Đức Kitôâ, những người con của Thiên đàng, phải chứng tỏ cho thiên hạ thấy mình cũng là những đứa con đích thực của dân tộc, của quê hương trần thế.

Cũng như Nietzsche thủa xưa, nhiều người ngoài Công giáo hôm nay đang thách thức chúng ta sáng tác và hát lên những bài ca hay hơn nữa –những bài ca tôn giáo đượm tình người hay ngược lại những bài ca trần gian thấm nhuần tinh thần tôn giáo– để họ có thể dễ dàng tin vào Thiên Chúa của chúng ta, tin có đời sau, tin nơi những giá trị vĩnh cửu, là những thực tại mà con mắt trần gian không nhìn thấy được. Giữa chúng ta với anh em vô thần hay những người không chia sẻ niềm tin của chúng ta, chỉ có một mảnh đất chung, một điểm gặp gỡ duy nhất để trao đổi, thông cảm với nhau: đó là những giá trị nhân bản, thực tại trần thế và mảnh đất quê hương.

Thành ra chúng ta chỉ có thể gieo ý thức, nêu thắc mắc hay dẫn đưa họ vào ngưỡng cửa đức tin, nếu dám can đảm đồng hành với họ trên con đường dương thế, tích cực đảm nhận thân phận và trách nhiệm làm người ở đời. Chỉ khi nào chúng ta dấn thân xây dựng một xã hội trần gian tốt đẹp hơn và say sưa chiến đấu cho những giá trị nhân bản cùng với họ và như họ, lúc đó chúng ta mới có khả năng để nói với họ rằng việc giải phóng toàn diện con người không thể chỉ giới hạn trong phạm vi cơm áo hay trong những tiện nghi vật chất, cũng không thể dừng lại nơi những chương trình an sinh xã hội hay những giải pháp kinh tế, chính trị. Cần phải đi xa hơn những thực tại trần thế này, cần nới rộng tầm nhìn đến chiều kích tâm linh và vĩnh cửu.
  
Nói cách khác, sứ mệnh của người môn đệ Đức Kitôâ hôm nay là làm sao kiên trung với Đạo, nhưng đồng thời luôn quan tâm và tận lực với Đời. Bám chặt vào đời với trọn con tim và trí lực, để hướng đời về với Đạo. Thật sự hiện diện giữa lòng đời, tích cực đóng góp vào công tác xây dựng xã hội trần thế, đích thân chia sẻ những vui mừng và âu lo của anh em đồng loại... ngõ hầu có cơ hội thảo luận và đặt vấn đề với họ về những giá trị và giới hạn tất nhiên của cuộc đời.
  
Nếu được phép giản lược một vấn đề phức tạp và hầu như không thể giản lược, xin cô đọng các thách đố mà thời đại và đất nước đang đặt ra cho Linh mục chúng ta qua năm chiều kích căn bản sau đây:

a)-  Chiều kích chuyên môn.

Tiến trình toàn cầu hóa bắt đầu đã khá lâu, nhưng xét về mức độ tăng trưởng và tầm ảnh hưởng phải công nhận rằng đây là đặc điểm của mấy thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Dù muốn hay không, toàn cầu hóa vẫn được coi là một quan niệm thích hợp nhất để diễn tả mô hình kinh tế và trật tự thế giới nẩy sinh sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt.

Người ta thường hiểu toàn cầu hóa như quá trình kiến tạo một thị trường thế giới duy nhất, bao gồm mọi lãnh vực thông tin, kỹ thuật, tài chánh, mậu dịch, sản xuất, xã hội, văn hóa, dịch vụ, tiêu chuẩn tiêu thụ cũng như lối sống của người dân trên thế giới. Nhưng bản chất của nó được cấu tạo do tương quan giao thoa giữa bốn đặc điểm của thế giới hôm nay: (1) những tiến triển trong lãnh vực công nghệ thông tin; (2) sự bá chủ của chủ nghĩa tư bản tân tự do; (3) việc tìm kiếm để xác định căn tính của một trật tự chính trị mới, dù rằng cho đến nay vẫn chưa thể định hình; (4) những biến đổi quan trọng về xã hội và văn hóa, song song với những biến đổi sâu rộng trong lãnh vực thông tin, kinh tế và chính trị. 
  
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI) quan niệm toàn cầu hóa như là “việc tăng trưởng mối tương quan đồng phụ thuộc kinh tế giữa tất cả các nước trên thế giới. Việc tăng trưởng này không những do gia tăng số lượng và tính đa dạng trong trao đổi quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, cũng như do dòng chảy vốn quốc tế, mà còn do sự phổ biến kỹ thuật nhanh chóng và rộng rãi”.

Nhân loại đang tiến từ thời công nghiệp sang giai đoạn hậu công nghiệp, mà có người gọi nền văn minh trí tuệ, xã hội chất xám hay kinh tế tri thức. Chất xám được coi là tấm hộ chiếu của thế kỷ 21 và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư quan trọng nhất cho phát triển. Thật vậy, tài nguyên tương lai của một quốc gia hoàn toàn tùy thuộc óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, tốc độ và tài sử dụng thông tin để tạo thêm giá trị gia tăng. Từ đó nhu cầu khẩn thiết là phải cải tổ hệ thống giáo dục ngõ hầu trả lời cho những thách đố của một xã hội biến đổi không ngừng.

   Hàm lượng về vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên, thiết bị máy móc, vốn và lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm sẽ giảm thiểu, nhưng ngược lại thông tin và hàm lượng về trí tuệ sẽ gia tăng. Sự thành công trong xã hội tương lai phụ thuộc rất nhiều ở nguồn nhân lực sáng tạo, khả năng nắm bắt cái mới, quyết định lựa chọn đúng đắn, khả năng triển khai cụ thể cho từng lãnh vực phát triển.  Những người có tri thức mới sẽ có nhiều cơ hội trong thế giới tương lai, ngược lại những người không có tri thức mới sẽ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp hay bằng lòng với số lương thấp trong những ngành công nghệ cổ điển.

Đất nước Việt Nam đã cố gắng cởi bỏ bộ áo bao cấp để hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại: đã chính thức gia nhập ASEAN, thiết lập bang giao chính trị và ký hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ, đang chuẩn bị vào vào AFTA và tham gia APEC... Một số luật lệ, hệ thống giáo dục và bgay cả cơ cấu tổ chức xã hội rồi ra sẽ đổi thay để phù hợp điều kiện và yêu sách của hội nhập .

Giữa một đất nước đang đổi thay và trong một thời đại mà chất xám và năng động tính được đề cao, người Công giáo cũng cần nghĩ đến vai trò của nghành nghề chuyên môn trong việc phục vụ đất nước và rao truyền Tin mừng. Những biến đổi lớn lao của thời đại đòi hỏi Giáo hội phải can đảm dấn thân vào những điểm nóng và có tính quyết định cho những biến đổi của thời đại. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi phải hiểu biết những biến đổi sâu xa của toàn cầu hóa, đồng thời ý thức rõ rệt những thách đố mà khoa học kỹ thuật đang đặt ra cho việc rao giảng Tin Mừng.

Từ thủa xa xưa Quản Trọng đã nói: “nếu muốn lên kế hoạch một năm thì trồng lúa, mười năm thì trồng cây và trăm năm thì trồng người”. Để có thể chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng và trả lời cho thách đố của thời đại, chúng ta cần đào sâu kiến thức chuyên môn và đặt ưu tiên cho việc đào tạo nhân sự.  Ngỏ lời với các Giám mục Việt Nam trong cuộc tiếp kiến vào cuối tháng giêng vừa qua, đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II mời gọi các Giám mục suy nghĩ về vai trò của giáo dân trong cộng đoàn  Dân Chúa và nhất là làm sao cống hiến cho họ một sự đào tạo tương xứng, ngõ hầu họ có thể đảm nhận sứ vụ chứng tá trong lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế. 


b)- Chiều kích tâm linh

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường... càng làm cho con người dễ bị phân tâm, lôi cuốn, chạy theo ham muốn và mời mọc của thị trường. Nhiều người lo sợ con người ngày hôm nay có thể biến thành một thứ “robot”, chỉ còn những phản xạ được điều kiện hóa, chứ không thực sự tự quyết, tự chọn, tự chủ chính mình. Càng hoạt động và chạy theo thời đại, người tu sĩ càng có nguy cơ tha hóa và đánh mất niềm vui nội tâm.
  
Có người đã ví con người hôm nay như một “bệnh nhân”: lý trí và cơ thể phát triển rất nhanh, nhưng tinh thần và tâm linh thì èo ọt, thậm chí thoái hóa. Sự phát triển của kinh tế và khoa học kỹ thuật là yếu tố tích cực trong lịch sử nhân loại. Nhưng nó như con tuấn mã bất kham, cần được thuần hóa và hướng dẫn. Rất tiếc là người kỵ sĩ hiện tại quá yếu, không đủ khả năng để thuần hóa một con ngựa chứng quá mạnh. Đó là một  trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng về giáo dục hiện nay. Phải chăng nhiệm vụ của chúng ta là làm sao đưa ra một đường hướng đào tạo có khả năng giúp người thụ huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng, nhưng đồng thời biết tu thân?   

Hơn bao giờ hết thế giới và đặc biệt là giới trẻ hôm nay đang yêu cầu chúng ta đặt nổi chiều kích tâm linh, trở thành những con người tôn giáo đích thực, những người có kinh nghiệm bản thân về mối tương quan thân tình với Chúa, về giải thoát tâm linh và niềm an vui nội tâm. Tuyên bố  bế mặc Đại hội lần thứ 7 của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á châu đã sáng suốt đưa ra một tầm nhìn và “chuyển hướng đặt nổi tính nội tâm sâu ngõ hầu Giáo hội trở thành một cộng đoàn cầu nguyện sâu xa, trong đó chiêm niệm nối kết hài hòa với bối cảnh thời đại và các nền văn hóa của dân tộc. Gắn liền với đời thường, cầu nguyện đích thực phải làm phát sinh nơi các tín hữu chứng từ trong sáng về yêu thương và phục vụ” .

Một trong những điểm nổi của Giáo hội Việt Nam là lòng sùng đạo, tổ chức giáo xứ, hội đoàn, kinh lễ, rước xách ... Cần duy trì và canh tân truyền thống đó. Nhưng thiết tưởng đã đến lúc cần nghĩ đến vấn đề đào tạo thần học và đào sâu chiều kích tâm linh. Những trung tâm tĩnh tâm cho giáo dân và giáo sĩ là một nhu cầu khẩn thiết.

Trong bài diễn văn gởi các Giám mục và Cộng đoàn Dân Chúa ở Việt Nam, vào tháng 12 năm 1996, đức Gioan Phalô II đã đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh của công cuộc truyền giáo: “Việc tiếp xúc với các vị đại diện các truyền thống tinh thần ngoài Kitô giáo, nhất là các truyền thống tại Á châu, làm tôi xác tín rằng tương lai của truyền giáo tùy thuộc phần lớn ở chiêm niệm. Người thừa sai, nếu không phải là một nhà chiêm niệm, thì không thể loan báo Đức Kitô một cách khả tín ; họ là một chứng nhân của kinh nghiệm về Thiên Chúa và phải nói như các thánh Tông đồ : “Điều chúng tôi đã chiêm niệm…, đó là Lời sự sống…, chúng tôi loan báo cho anh em”.

c)- Chiều kích phục vụ
  
Trước khi từ trần,  đức Gioan XXIII đã để lại lời di chúc tâm huyết: đã đến lúc Giáo hội phải trở về nguồn, trở thành Giáo hội của mọi người, đặc biệt của những người nghèo khổ. Công đồng Vatican 2 đã theo hướng đi đó: Chủ trương thích nghi và canh tân để có thể rao giảng Tin Mừng một cách hữu hiệu cho con người hôm nay, đồng thời can đảm trở thành Giáo hội nghèo và của người nghèo.

Hiến chế tín lý về Giáo hội tuyên bố: “Đức Kitô đã hoàn thành công cuộc cứu độ trong nghèo khó và bị bách hại, cũng thế Giáo hội được mời gọi bước theo cùng một con đường để loan báo hiệu quả cứu độ cho nhân loại. Đức Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa ... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Ph 2, 6-7), và “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự  ý trở nên nghèo hèn” vì chúng chúng ta (2Cor 8,9). Đó cũng phải là con đường của Giáo hội: mặc dù cần những phương tiện nhân  loại để chu toàn sứ vụ, Giáo hội không được thiết lập để kiếm tìm vinh quang trần thế, nhưng để rao truyền, bằng chính cuộc sống, sự khiêm tốn và từ bỏ. Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến “để loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.... chữa lành các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18), “kiếm tìm và cứu vớt những gì đã mất” (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo hội ân cần săn sóc những ai khổ đau vì tật bệnh; nhất là nhìn nhận nơi tất cả những người nghèo hèn và khổ đau hình ảnh của Đấng Sáng lập nghèo khó và khổ đau, Giáo hội cố gắng làm giảm nhẹ nỗi cơ cực của họ và muốn phục vụ Đức Kitô trong những người khổ cực đó” (Lumen Gentium, 8).
  
Thể theo lời mời gọi canh tân và thích nghi của Công đồng, nhất là noi gương Đức Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ mà để hiến thân phục vụ, thiết tưởng đã đến lúc cần đặt lại mối tương quan giữa Giáo hội và trần thế, giữa giáo sỹ và giáo dân. Dưới ánh sáng của Tin Mừng và theo gương của Đức Kitô, có lẽ chúng ta không nên tranh đấu để đòi quyền lợi cho chính mình hay cho phe nhóm của mình, mà để bảo vệ nhân phẩm, để phát triển niềm tin, để có cơ hội dấn thân phục vụ mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, cô thân cô thế và đang bị khai trừ.

Đại hội lần thứ 7 của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu có lý để đề nghị chuyển hướng tới một Giáo hội của người nghèo và giới trẻ: “Nếu chúng ta muốn đứng về phía đại đa số quần chúng trong lục địa, chúng ta phải chia sẻ nỗi khổ đau của họ qua cách sống của chúng ta, phải lên tiếng chống lại mọi hình thức bất công nhằm bênh vực quyền lợi những người không có quyền lực và bị tước đoạt. Trong một lục địa được coi là của giới trẻ này, chúng ta phải cùng với họ và vì họ, trở nên Giáo hội của giới trẻ” .
 
d).  Chiều kích Á châu

Nhiều người cho rằng một trong những thách đố quan trọng cho các Giáo hội ở Á châu trong thiên niên kỷ thứ ba này là làm sao  đặt nổi tính Á châu nơi niềm tin Kitô giáo. Một số người lấy làm tiếc là Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục là Giáo hội tại Á châu, mà chưa thể hiện được những nét độc sáng cần thiết của một Giáo hội của Á châu và cho Á châu. Và họ mơ ước hình thành một Giáo hội từ viễn quan Á châu .

Mặc dù chưa đưa ra những nét sơ thảo của một “Giáo hội từ viễn quan Á châu”, tuy nhiên Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” đã liệt kê một số giá trị văn hóa và tôn giáo được coi là gia tài hay hồn của Á châu: “Thích trầm lặng và chiêm niệm,  giản dị và hài hòa, siêu thoát, bất bạo động, cần cù lao động, có kỷ luật, sống thanh đạm, khao khát học hỏi và truy tầm minh triết (...), tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính những người cao niên và tổ tiên, có ý thức cao về tinh thần cộng đồng”. Theo Tông huấn, tất cả những yếu tố đó biểu lộ “chiều hướng tâm linh bẩm sinh và cảm nghiệm luân lý khôn ngoan trong tâm hồn người Á châu. Đây là trung tâm điểm dựa trên đó hình thành ý thức ngày càng lớn mạnh về “tính á châu”. Ý nghĩa của “tính Á châu” này được nhận thức và khẳng định một cách tốt nhất không phải bằng sự đối chất và đối nghịch, mà trong tinh thần bổ sung và hòa hợp. Chính trong tinh thần bổ sung và hòa hợp này mà Giáo hội có thể công bố Tin Mừng một cách vừa trung thành với truyền thống và vừa phù hợp với hồn Á châu”.

Giáo hội Việt Nam vẫn mang tiếng là vọng ngoại. Không biết đúng sai và thực hư đến đâu? Dù sao, hội nhập văn hóa đã trở thành một điều kiện để rao giảng Tin Mừng. Trong bài diễn văn chào mừng đức Giáo chủ Gioan Phaolô II nhân dịp các Giám mục Việt Nam về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhìn nhận: “Việt Nam là một nước có nhiều tôn giáo, mà một số có truyền thống lâu đời. Tương quan giữa các tôn giáo tốt đẹp. Tuy nhiên, Giáo hội cần phải nỗ lực hơn nữa trong lãnh vực hội nhập văn hoá nhằm xóa bỏ những thành kiến cho rằng theo đạo Công giáo có nghĩa là từ bỏ những truyền thống văn hoá và đạo hiếu đối với tổ tiên” .

Trong diễn văn đáp từ, Giáo chủ Gioan Phaolô đặc biệt nhắc lại sứ điệp và tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục về Á châu: “Giáo hội tại Á châu đã được mời gọi cách riêng để đào sâu thông điệp vui mừng của Ơn Cứu độ, bằng sự tiếp cận một cách đặc biệt vấn đề căn bản của việc rao giảng minh bạch ơn cứu độ cho đông đảo những người Á châu chưa từng nghe nói về Chúa Cứu Thế” . Như các Giáo hội Á châu khác, Giáo hội Việt Nam phải cố gắng đi theo định hướng căn bản này. Và để trả lời cho thách đố nói trên, thiết tưởng nhiệm vụ của chúng ta trong lúc này là xác định “tính Á châu” và đặt ưu tiên cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, rồi triển khai chúng trong cuộc sống và biểu lộ qua hình thức sống đạo, cũng như truyền đạo. Có như vậy Kitô giáo mới có thể “giới thiệu mầu nhiệm Đức Kitô cho các dân tộc Á châu theo mô hình văn hóa và cách thế suy tư của các dân tộc này.

e)-   Chiều kích đối thoại

Như chúng tôi đã trình bày ở chương I, đối thoại đã trở thành một danh từ thời thượng của thế giới hôm nay. Điều kiện tiên quyết của một cuộc đối thoại đích thực là phải chấp nhận đa nguyên, đa diện, đa văn hóa và trân trọng những khác biệt căn bản giữa người với ta. Đối thoại vì vậy là cuộc gặp gỡ giữa các nhân vị, chứ không phải chỉ là sự so sánh về quan niệm hay một cuộc đọ sức giữa các hệ thống tư tưởng. Do đó cần phải quan tâm đến con người cụ thể, với yếu tố văn hóa, hoàn cảnh lịch sử và điều kiện xã hội riêng biệt. Nói cách khác, đối thoại đích thực đòi hỏi phải nhìn nhận mỗi cá nhân như những nhân vị có quyền lợi, tự do, cá tính và sắùc thái riêng.

Đối thoại đích thực đòi hỏi phải trân trọng, thương mến tha nhân, bất kể nguồn gốc văn hoá, màu da, quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo của họ. Người khác tự bản chất không những không thể đồng hóa với ta, mà còn thực sự khác ta rõ rệt. Chính nơi sự khác biệt này ta tìm thấy căn tính và nét đặc thù của họ, làm cho họ là họ, chứ không phải là ta hay một ai khác. Sau một quá trình đối thoại chân thành, rất có thể chúng ta sẽ vượt qua một số bất đồng ban đầu để đi đến một đồng thuận nào đó, nhưng không thể đốt giai đoạn hay nuôi ý đồ “xâm lược” ngay từ ban đầu.

Để thi hành sứ vụ truyền giáo trong xã hội hôm nay, Giáo hội cần dấn thân đối thoại với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với khoa học kỹ thuật, với các nền văn hóa và các tôn giáo. Đây là một cách thế rao giảng Tin Mừng ở thời đại dân chủ, đa văn hóa và đa phức tôn giáo. Đây cũng là vấn đề “hội nhập văn hóa” với hai chiều hỗ tương: một mặt, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để Tin Mừng thấm nhuần và chiếu sáng các nền văn hóa; mặt khác, phải làm sao diễn tả đức tin bằng những chất liệu riêng của mỗi nền văn hóa.

Giáo chủ Gioan Phaolô II ý thức rõ rệt tầm quan trọng của mối tương quan giữa giao thao đức tin và văn hóa. Trong văn thư  thành lập Hội Đồng Tòa thánh về Văn hóa vào năm 1982, ngài đã đề cao mối tương quan sinh tử này: “Một đức tin bao lâu chưa biến thành văn hóa, có nghĩa là đức tin đó chưa được đón nhận một cách trọn vẹn, chưa trở thành lương thực tinh thần và chưa có khả năng nuôi sống con người”.

Trong cuộc tiếp kiến các Giám mục Việt Nam vào đầu năm 2002, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại trong thực tại xã hội Việt Nam hôm nay: “Để tiếp tực sứ vụ yêu thương và phục vụ của mình, Giáo hội Công giáo cũng được mời gọi chia sẻ niềm hy vọng của mình bằng cách không ngừng đề nghị con đường đối thoại”. Ngài khẳng định rằng “chỉ có cuộc đối thoại tin tưởng và xây dựng giữa tất cả thành phần của xã hội dân sự mới đem lại niềm hy vọng mới cho toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Nhìn từ viễn tượng đó, “đối với Kitô hữu, cuộc đối thoại này, được thúc đẩy bởi đức ái và ăn rễ nơi ước muốn thực sự kết hợp với Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, nuôi dưỡng mối liên hệ sống động với tha nhân, bất kể tha nhân nào, trong phẩm giá bất khả nhượng của tha nhân con Thiên Chúa, nhất là khi tha nhân sống cảnh nghèo đói hay bị khai trừ. Anh em hãy khuyên nhủ các cộng đoàn biết chiêm ngưỡng Chúa Cứu Thế trên bộ mặt những con người mà chính Ngài đã muốn coi như chính mình, để các cộng đoàn nhìn ra trong sự gặp gỡ này, lòng trung thành của Giáo hội với sứ vụ của mình”      

Rất có thể đây là một lời mời gọi để người Công giáo Việt Nam suy nghĩ về sứ vụ và  những đóng góp đặc biệt của mình cho quê hương và cho Giáo hội hoàn vũ. Làm sao thích nghi những hình thức sống Đạo và hiểu Đạo cho phù hợp với tâm trạng và nhu cầu của con người hôm nay, đặc biệt của giới trẻ? Làm sao tiếp thu ưu điểm của khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường nhưng tránh được mặt xấu, tiêu cực và sa đọa trong nếp sống Tây phương? Làm sao khai mở cho nhân loại một con đường mới, kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và kỹ thuật với chiều sâu tâm linh và truyền thống văn hóa?

Đặc biệt, với tư cách là người Công giáo Việt Nam, chúng ta có thể đóng góp được những gì để trả lời cho những khát vọng tâm linh của con người hiện tại? Trong tương lai, rất có thể cuộc đối thoại với Phật giáo là công việc khẩn cấp và gay go nhất , vì Phật giáo cũng nhấn mạnh đến con đường cứu độ, chiều kích tâm linh và tình tự dân tộc. Chúng ta đã chuẩn bị như thế nào để đảm nhận cuộc đối thoại này?

   Thiết tưởng để có thể trả lời cho những thách đố nói trên, Giáo hội cần làm một chuyển hướng đặc biệt về tâm thức và cơ cấu tổ chức: cần tín nhiệm và trao nhiều trách nhiệm hơn nữa cho giáo dân, đặc biệt biết tận dụng sự đóng góp quý báu của nữ giới. “Do bí tích Thánh tẩy, Thêm sức và ơn gọi riêng biệt, tất cả các giáo dân là thừa sai và địa bàn hoạt động tông đồ của họ là thế giới phức tạp và rộng lớn, bao gồm lãnh vực chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Trong nhiều nước Á châu, đông đảo giáo dân đã phục vụ như những thừa sai đích thực và tiếp xúc với bạn bè Á châu, những người chưa hề có dịp tiếp xúc với các linh mục hoặc tu sĩ”.
  
Đối với nhiều Giáo hội tại Á châu, đây là một tiến trình nhiêu khê và dài hơi, đòi hỏi rất nhiều cố gắng và thời gian. Chính giáo chủ Gioan Phaolô II cũng công nhận rằng “để làm chứng cho Đức Kitô trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống xã hội, người giáo hữu có thể đóng một vai trò duy nhất trong việc tranh đấu chống lại bất công và áp bức. Và để thực hiện được điều đó họ phải được huấn luyện một cách tương xứng. Về điểm này, tôi tán đồng đề nghị của các Nghị phụ nhằm thiết lập, ở cấp giáo phận hay quốc gia, những trung tâm đào tạo giáo dân, ngõ hầu chuẩn bị người giáo dân đảm nhận công tác thừa sai của họ như những chứng nhân của Đức Kitô trong Á châu hôm nay” . Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể quả quyết rằng tương lai của Giáo hội tại Á châu lệ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo tầng lớp giáo dân trưởng thành và hăng say dấn thân theo tinh thần của Tin Mừng. 





















Mục lục



Lời nói đầu                                                                   5

1-         Vai trò của đối thoại
       trong thế giới hôm nay                                              15
              
      Ý nghĩa của đối thoại                                                   16
      Thái độ bao dung                                                         20
      Thái độ bất bao dung                                                   24

2-  Đối thoại liên tôn                                                         31

      Từ bao dung đến tự do tôn giáo                                    32
      Đối thoại và giữ vững căn tính                                     35
      Thách đố của đối thoại liên tôn                                    39

3-     Đối diện với thách đố
        của đa phức tôn giáo                                                 47

       Vấn đề cứu độ người ngoài Kitô giáo                          48
       Hướng đi của Vatican II                                              55
       Khai mở Thần học về các tôn giáo                              60
       Đối diện với đa phức tôn giáo                               63

4-   Đức Giêsu Kitô và
 các con đường cứu độ khác                                       67

      Quan niệm về cứu độ                                                   68
      Vai trò độc sáng của Đức Kitô                                     77
      Có chăng nhiều con đường cứu độ?                             78 
      Ân sủng hiện diện nơi các tôn giáo                              87
                                                                                                           
5-       Đức Giêsu Kitô,
     Đấng cứu độ phổ quát                                            93
                                                                                              
       Những mô hình thần học về
       các con đường cứu độ                                                 94
           * Dĩ Giáo hội vi trung                                             94
           * Dĩ Đức Kitô vi trung                                             98
           * Dĩ Thiên Chúa vi trung                                       101
       Vượt qua não trạng Tây phương                                104
       Tính đặc thù của biến cố Đức Kitô                            108
       Ý thức của Đức Kitô về sứ vụ....                               114

6-     Tác động của Thần khí
nơi các tôn giáo khác.                                         121
                                                                                              
Vai trò phổ quát của Ngôi Lời                              121
          Chiều kích vũ trụ của Ngôi Lời                              126
          Hai bàn tay cứu độ của Thiên Chúa                       128
          Vai trò trung gian của triết học                               132
          Tác động phổ quát của Thần khí                            135
          Nước Trời trải rộng ...                                             140



7.     Hỡi Ngài ở bên kia vạn sự!
        Biết nói gì về Ngài?                                                 147

         Những anh mù sờ voi                                              147 
         Có chăng một nhận thức về
         Thượng Đế bất khả tri?                                            150
         Con đường của hiền giả Đông phương                    154
         Cảm nghiệm của các thần bí gia                              157
         Tiến tới một cái nhìn bao dung                                161

8-    Dấn thân phục vụ                                                     167

         Kitô giáo, Đạo nhập thế và nhập thể                       168
         Thảm kịch xung đột Đạo-Đời                                  173
         Trần gian theo viễn quan Kitô giáo                         176
         Vai trò của giáo huấn xã hội                                   180
         Đối diện với thách đố của thời đại                          185
·         Chiều kích chuyên môn                             187
·         Chiều kích tâm linh                                    190
·         Chiều kích dấn thân phục vụ                     191
·         Chiều kích Á châu                                     193
·         Chiều kích đối thoại                                   195

         Mục lục                                                                   199

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét